Có một câu hỏi mình luôn tìm kiếm câu trả lời từ nhiều năm nay. Đó là câu hỏi về việc xây dựng công ty tầm thế giới từ Việt Nam.
Tuần vừa rồi là một tuần thú vị - nó cho mình thêm tự tin rằng có lẽ ngày mình nhìn thấy công ty đó đang đến gần và có lẽ không còn quá xa nữa để chúng ta nhìn thấy một hệ sinh thái thực sự đi vào giai đoạn chín muồi cho việc xây dựng công ty.
Sự trở về của những người xuất chúng
“Nhân tài là nguyên khí của quốc gia”. Câu nói này đúng ở tầm quốc gia và chắc chắn đúng ở tầm công ty. Với mảng công nghệ thì đây lại càng đúng - vì thực tế là không có con người thì không có công ty công nghệ.
Nhưng trước giờ, khi nói tới nhân tài, mọi người chỉ nghĩ tới nhân tài ngành công nghệ. Ai làm công ty startups và đầu tư đều biết, nếu chỉ có siêu sao công nghệ, công ty khó có khả năng tồn tại chứ chưa nói tới khả năng phát triển và thực sự có ảnh hưởng tới nền kinh tế. Để tạo ra đột phá khoa học công nghệ, chúng ta cần nhiều kĩ sư và nhà khoa học xuất chúng. Để tạo ra công ty có thể thay đổi thị trường, chúng ta cần sự kết hợp giữa các tài năng công nghệ và các tài năng kinh doanh, tài chính, vận hành,…
Tuần vừa rồi, mình bắt đầu thấy sự trở về của cả những nhân tài hàng đầu về công nghệ và những nhà kinh doanh công nghệ có năng lực được thừa nhận.
Trước hết là câu chuyện của một founder làm mảng công nghệ cho ngành y tế. Sản phẩm của bạn trong top 10 của ngành ở Mỹ và đang mở rộng ra cho thị trường châu Á - Thái Bình Dương. Hơn 1 năm trước, khi chúng mình gặp và nói chuyện, công ty của bạn đã là một trong những đơn vị hàng đầu cho một ngành cực kì khó nhằn của Mỹ - bạn lúc đó rất tự hào là sản phẩm hoàn toàn được làm bởi đội ngũ kĩ sư Việt Nam. Dù bạn đã thường xuyên trở về Việt Nam trong nhiều năm qua do có đội ngũ kĩ sư làm sản phẩm ở đây, bạn chưa thực sự nghĩ tới câu chuyện về Việt Nam như một thị trường cho tới lần gặp này. Lần về này, bạn đi từ Hà Nội tới Sài Gòn rồi qua Đà Nẵng - một tour ngắn ngày đi qua hết các trung tâm lớn của Việt Nam để cảm nhận sự khác biệt và nguồn năng lượng ở đây. Với một người Mỹ gốc Việt sinh ra và lớn lên ở Mỹ - và anh em trong gia đình bạn còn chưa bao giờ về Việt Nam - thì việc chọn Việt Nam là nơi để mở rộng ra toàn bộ châu Á - Thái Bình Dương là một bước đi có nhiều cân nhắc. Khi bạn hỏi mình cách thức mở công ty ở đây, mình hiểu rằng Việt Nam bắt đầu được coi như là nơi “Đất lành chim đậu”.
Tuần vừa rồi cũng là một tuần nhiều sự kiện nổi bật trong ngành bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Mình gặp một loạt những nhà khoa học và kĩ sư hàng đầu trong ngày cuối tuần ở Đà Nẵng - những gì họ đang làm sẽ thay đổi cả một ngành công nghiệp trên tầm thế giới. Trong số đó có những người lần đầu tới Việt Nam và có những người từ Việt Nam đi và đang chọn trở về.
Sẽ không còn quá xa nữa khi thông tin về một dự án cực kì quan trọng trong ngành bán dẫn tại Việt Nam sẽ được đưa ra đại chúng. Khi còn rất nhiều người còn ngờ vực về câu chuyện bán dẫn ở Việt Nam, việc một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới trong ngành với hàng trăm bằng sáng chế sẽ về nước và thực hiện một dự án mang tính cách mạng của ngành ở đây sẽ là câu trả lời rõ ràng nhất. Khi mình hỏi cô tại sao cô về, cô kể một câu chuyện rất dài của cuộc đời cô. Cô rời Việt Nam cùng gia đình nhiều thập kỉ trước, học tập vất vả trong lĩnh vực hóa chất rồi cuộc đời đưa đẩy làm việc trong những chủ đề liên quan tới khoa học vật liệu trong ngành bán dẫn. Giờ đây, khi hỏi bất cứ người hàng đầu nào trong ngành, họ đều nhắc tới tên tuổi của một người phụ nữ Việt Nam nhỏ bé và nhẹ nhàng với sự kính trọng. Cô về một thành phố biển miền Trung để lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển tập trung vào những sáng chế có giá trị hàng tỷ đô la. Bởi vì sự cầu thị, năng động và chân thành của lãnh đạo Việt Nam, các cán bộ trẻ trong bộ máy chính quyền và của các đối tác tư nhân trong lĩnh vực này.
Dù ai có nói gì đi nữa, khi mình nhìn thấy nhân tài hội tụ, đó là lúc mình tin mảnh đất này đã dần trở thành đất lành để chim về làm tổ.
Phụ nữ và câu chuyện đầu tư vào phụ nữ
Cũng là một vài cuộc nói chuyện ít liên quan nhưng lại liên quan khi - vì một lý do nào đó - bọn mình lại đi đến một quan sát là những người phụ nữ Việt Nam đã và đang dẫn đầu trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và đầu tư giai đoạn sớm này.
Có nhiều nghiên cứu về chất lượng công ty và hiệu quả hoạt động của các công ty được dẫn dắt bởi nữ giới trong đó có một kết luận khá rõ ràng là công ty do nữ lãnh đạo thường có kết quả tốt hơn hẳn so với trung bình. Khi mình nhìn lại thị trường giai đoạn sớm trong vài năm qua thì, mặc cho thị trường vốn cực kì chậm, các công ty huy động vốn với quy mô khủng phần nhiều lại cũng có nữ sáng lập. Từ FDcare với $2.5Mn Series A, MeTub với $15.5Mn Series B của Morgan Stanley, TechCoop với $70Mn Series A; tới NhiDong315 với $135Mn từ GIC , tất cả đều là sáng lập nữ mà 3 trong số 4 công ty đó, các nữ sáng lập vừa điều hành công ty, phát triển kinh doanh và huy động vốn khi mới sinh con hoặc con còn rất nhỏ. Mình nhìn các nữ sáng lập đó với sự khâm phục lớn lao - bởi vì mình biết tất cả sự khó khăn khi vừa phải chu toàn việc chăm sóc con cái vừa phải lo lắng cho công ty.
Từ góc độ đầu tư, khi nhìn một vòng thị trường thì có lẽ phải tới 70%-80% các quỹ đầu tư giai đoạn sớm ở Việt Nam đang được dẫn dắt bởi một nhà đầu tư nữ. Đối với mình đó là một tín hiệu cực kỳ đáng mừng. Bởi ngoài năng lực của một nhà đầu tư, họ sẽ có khả năng thấu cảm và hỗ trợ các nhà sáng lập nữ tốt hơn khi họ quyết định đầu tư vào một công ty do phụ nữ dẫn dắt. Với kết quả kinh doanh đã được kiểm chứng, có lẽ đây cũng là một tín hiệu tốt cho hệ sinh thái nói chung.
Từ góc độ công nghệ, cuối tuần vừa rồi lại cho mình thêm động lực và hi vọng cho hệ sinh thái ở Việt Nam. Trong dàn diễn giả tầm cỡ là 2 người phụ nữ Việt Nam nhỏ nhắn và nhẹ nhàng. Một người thay đổi cả mảng khoa học vật liệu của ngành bán dẫn. Người còn lại vừa được vinh danh trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo cho quá trình thiết kế vi mạch - sản phẩm của cô bé và đồng sự của cô làm cho ngay cả chuyên gia thiết kế trong ngành ngạc nhiên khi chiến thắng cuộc thi quan trọng trong lần đầu tiên tham gia.
Bản thân cá nhân mình cũng đã và đang đầu tư vào các nhà sáng lập nữ. Và những gì mình đang nhìn thấy làm cho mình càng tin hơn vào một tương lai rất gần khi có những công ty công nghệ quan trọng từ Việt Nam đi ra thế giới - những công ty sẽ có nhiều nữ giới tham gia xây dựng và dẫn dắt cùng các đồng nghiệp nam của mình.
“Đầu tiên họ làm ngơ bạn, sau đó họ cười nhạo bạn,…”
Trong cuối tuần này mình có dịp nghe câu chuyện AlphaChip của 2 nữ khoa học gia từ Google DeepMind là Anna Goldie and Azalia Mirhoseini. Cách tiếp cận thiết kế chip sử dụng phương pháp học tăng cường của họ giúp họ có các bài báo trên tạp chí Nature. Nhưng quá trình được thừa nhận đó là một quá trình không bằng phẳng. Khi con chip được thiết kế bằng phương pháp của họ có hiệu quả hơn so với phương pháp của các chuyên gia, thì kể cả việc con chip đó được sử dụng trong các data center của Google cũng không làm cho con đường của họ đơn giản hơn. Khi phương pháp này được sử dụng rộng rãi, cả ngành thiết kế chip sẽ thay đổi - cách thức họ làm việc, chi phí sẽ được tiết giảm, thời gian ra thị trường,… sẽ thay đổi một cách căn bản và làm cho cuộc đua ở tầm thế giới này càng khốc liệt hơn. Với ảnh hưởng như vậy, nên không có gì lạ khi nhiều người đòi xem xét lại thông tin được xuất bản trên tạp chí Nature. Nửa đùa nửa thật, hai nữ khoa học gia kể về việc họ phải viết hơn 200 trang giải thích tỉ mỉ về phương pháp của họ. Thời gian đủ dài để Google đặt tên cho con chip được họ thiết kế sử dụng trí tuệ nhân tạo là “AlphaChip”.
Câu chuyện đó cùng câu chuyện của một nữ kĩ sư gốc Việt làm việc ở Google Brain London có cùng một điểm chung: họ đều là những người ngoại đạo.
Và với một người hoạt động trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo thì đây là motif rất quen thuộc. Người ngoại đạo xuất hiện với cách tiếp cận xuất sắc hơn, sản phẩm làm ra rẻ hơn, tốt hơn, họ làm thay đổi cả một lĩnh vực và làm cho những người khổng lồ hiện tại trở nên yếu ớt trong một thế giới đầy bất động.
Nhưng vì họ là người ngoại đạo, khi họ mới xuất hiện sẽ không ai coi họ là một sự đe dọa - họ sẽ làm ngơ. Rồi người trong ngành sẽ tiếp tục cười nhạo khi thấy kẻ ngoại đạo cứ đi qua hết vấp ngã này đến thất bại khác. Rồi một ngày đẹp trời, họ sẽ la ó, đòi xem xét, hạ bệ những kẻ ngoại đạo này - đó là lúc thị trường đã hoàn toàn thay đổi và lúc những người khổng lồ sẽ trở nên bé nhỏ trong một ngày không xa.
Bài học ở đây là gì?
Người khổng lồ có lẽ nên bắt đầu nhìn nhận việc tham gia vào cả quá trình đổi mới sáng tạo một cách nghiêm túc hơn rất nhiều.
Hẹn một ngày khác mình sẽ viết nhiều hơn về corporate innovation - cách thức các người khổng lồ giữ nhịp phát triển và chống lại nguy cơ thay đổi cả ngành.
Mình thực sự nghĩ rằng Đà Nẵng sẽ là thiên đường của dân công nghệ trong thập kỷ tới!
Ảnh: Anh Lê Hồng Minh CEO và founder VNG - kỳ lân công nghệ Việt Nam chia sẻ cùng các bạn khởi nghiệp Đà Nẵng
Tác giả: Tuyết Vũ ( Eisenhower Fellow | Fulbright Scholar | UCBerkeley | BCG | Innovation & Entrepreneurship | Energy & Climate Tech | Investment)
Địa chỉ: Tầng 2 Trụ sở Thành Đoàn, đường Xuân Thủy, Khuê Trung, Cẩm Lệ, Đà Nẵng
Email: [email protected]
Phone: 0935 221 866
Website: www.2030danang.com