CLB Doanh nhân 20-30 Đà Nẵng tổ chức chương trình “Cafe sáng 20-30” số đầu tiên với chủ đề “Câu chuyện khởi nghiệp” cùng hai khách mời:
1. Anh Lê Trí Hải- Phó Chủ tịch Hội, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Cầu Xanh.
2. Chị Nguyễn Thị Cẩm Vân- Phó Chủ tịch Hội, Tổng Giám đốc Công ty CP Đông Nguyên.
Bằng những chia sẻ chân thực chưa từng tiết lộ, các bạn hội viên và người tham gia hiểu hơn về con đường doanh nhân và những thăng trầm trong kinh doanh của anh Trí Hải và chị Cẩm Vân.
Giới thiệu bản thân
Nếu như anh Trí Hải bắt đầu con đường kinh doanh của mình bằng việc lập công ty Toàn Cầu Xanh ( Green Global) vào năm 2008 và cung cấp dịch vụ CNTT và gia công phát triển phần mềm thì chị Cẩm Vân mang 10 triệu đô la của các nhà đầu tư đến Đà Nẵng từ 2004 với nhiệm vụ xây dựng nhà máy sản xuất sản phẩm mới trong lĩnh vực vật liệu xây dựng. Một người là sáng lập công ty trong lĩnh vực dịch vụ, còn một người là dám đứng lên nhận trách nhiệm về dự án mới trong mảng sản xuất, cả hai đều dũng cảm dấn thân với quyết định của mình.
Một vài dòng về anh Hải, chị Vân
Anh Hải (1976): Anh được học bổng đi Úc từ 1994, đến 2008 anh quyết định trở về Việt Nam đúng ngày sắp được cấp thẻ xanh của Úc, từ bỏ vị trí giảng viên đại học với mức lương 108,000 USD/năm. Về Việt nam để lập công ty về thiết kế web ( webdev) sau đó là công ty về tư vấn giải pháp công nghệ thông tin Toàn Cầu Xanh. Khách hàng của công ty chia theo 3 thị trường, tt Mỹ Châu âu, tt Nhật, và thị trường Việt Nam (mảng chính phủ điện tử - 80% các dự án về e-gov tại Đà Nẵng do TCX thực hiện). Hiện anh là Phó chủ tịch Hội Doanh Nhân Trẻ TP Đà Nẵng, Uỷ viên TW Hội doanh nhân Việt Nam
Chị Cẩm Vân (1976): Bắt đầu từ vị trí trợ lý phiên dịch cho 1 công ty vốn nước ngoài chuyên về vật liệu xây dựng ở HCM, sau 5 năm ( 2004), công ty có dự án đầu tư mở nhà máy sản xuất sản phẩm mới trong lĩnh vực vật liệu xây dựng tại Đà Nẵng. Đà Nẵng tại thời điểm đó còn rất sơ khai. Chị quyết định nhận trách nhiệm về lập nhà máy và công ty tại Đà Nẵng ( dù chưa từng đến ĐN và thường nghe về ĐN là 1 vùng miền trung nghèo, hay bị thiên tai, lũ lụt), tự tay lo tất cả các thủ tục về giấy phép đầu tư, lập công ty, xây dựng nhà máy từ số 0. Ban đầu, sản phẩm công ty là gạch cắt đá, giả đá, block 4 trong 1 - xây-tô-hoàn thiện - chống thấm trong cùng 1 công đoạn, còn hiện nay, làm theo nhu cầu của khách hàng với 300 mẫu sản phẩm . Hiện tại công ty của chị có 296 công nhân viên. Hiện chị là Phó chủ tịch Hội Doanh Nhân Trẻ TP Đà Nẵng, chủ nhiệm CLB doanh nhân 20-30 Đà Nẵng. Tổng giám đốc công ty VLXD Đông Nguyên.
Điều tự hào nhất về doanh nghiệp ?
Anh Hải: Mình từng mở công ty từ 2 người năm 2008, đưa lên 140 người năm 2014, sau đó bị khủng hoảng về nhân sự do không lường trước những thách thức thay đổi từ thị trường, một số quyết định chiến lược chưa đúng, khi có nhiều đơn vị ngoài nước về địa phương. Sau đợt đó, nhân sự còn lại 68 người, công ty đã xử lý và vượt qua khủng hoảng, hiện tại quân số tổng cộng gần 150 nhân sự.
Nên nếu nói về tự hào thì anh cho rằng: "một là mình chưa tự hào về sản phẩm của mình, hai là mình chưa tự hào về văn hoá công ty mình, ba là mình chưa tự hào về đời sống nhân viên mình, thứ tư là mình chưa tự hào về những cơ hội mà mình chưa khai thác tốt ở thị trường Việt Nam; và nếu mình có 1 điều tự hào thì đó là tự hào mình chưa đánh mất mình. trong 12 năm lập nghiệp, có nhiều lúc lên, lúc xuống, có nhiều cám dỗ, những ngã rẽ để tồn tại mà nếu không cẩn thận thì mình không còn là mình nữa "
Chị Cẩm Vân: Điều tôi tự hào nhất chính là đội ngũ nhân viên lao động, hầu hết (90%) người lao động gắn bó với công ty, và họ chính là người tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất và tạo ra giá trị và lợi nhuận của doanh nghiệp. Tôi xem sự hài lòng của nhân viên như chính là của khách hàng và đặt lên hàng đầu. ( Tháng 8 vừa rồi, chị đã tổ chức cho cả công ty đi du lịch, dã ngoại tại Thái Lan)
Khó khăn/ thách thức gặp phải trong quá trình xây dựng doanh nghiệp ?
Anh Hải: Mình khác chị Vân là mình thành lập công ty, theo quan điểm của mình, người tự lập công ty họ có ý chí chiến đấu và năng lực phát triển lớn hơn so với người ngoài tổ chức vào và được bổ nhiệm vị trí giám đốc, nên người giám đốc đó thường gặp nhiều khó khăn hơn rất nhiều. Người mở công ty thì thường họ ko có đường lùi, đi qua sông và đốt cầu, phía sau lưng là vực nên chỉ có tiến về phía trước ( tích Hạng Võ); còn một người được bổ nhiệm giám đốc thì nếu họ thấy không đảm nhận/ không phù hợp thì họ có thể chuyển sang công ty khác. ( Dẫn chứng bạn/doanh nhân Lê Diệp Kiều Trang, trước đây từng là CEO Facebook, sau chuyển qua CEO Go-Viet được 5 tháng thì nghỉ) chính vì thế, người nhân viên mà đủ tâm huyết và gắn kết để đi cùng doanh nghiệp và được thăng tiến đến vị trị Giám đốc là cực khó/ hiếm.
Nhân sự: Năm 2014 bị khủng hoảng về nhân sự, sl sụt giảm từ 140 còn 68 người, đó là giai đoạn khó khăn. Sau đó thì mình bắt tay vào xử lý khủng hoảng và tạm vượt qua giai đoạn đó.
Chị Cẩm Vân: May mắn là gặp đúng người (biết sử dụng / thưởng thức cái tài của mình), đúng thời điểm, nhưng yếu tố để có doanh nghiệp hôm nay chính là tính chính trực của mình. Trong quá trình làm việc, một phụ nữ bước ra thương trường thì có rất nhiều lời mời gọi từ đối tác/ đối thủ với offer hấp dẫn mà nếu mình không giữ được mình thì rất có thể mọi chuyện đã khác. Tôi quan niệm, một khi mình đã đặt mục tiêu thì mình sẽ cố theo và đạt được mục tiêu đó, trong quá trình thực hiện, con đường có thể thay đổi một chút nhưng mục tiêu là không đổi; ngay từ đầu sự lựa chọn của tôi là Đông Nguyên và tôi vẫn kiên trì sự lựa chọn đó đến ngày hôm nay. Tôi tự hào là không đánh mất mình.
Hồi 2004-2005, khi một thân một mình mới vào ĐN để lập nhà máy, vừa bụng mang dạ chửa, vừa chỉ huy công trình xây nhà máy, mới đẻ xong 9 ngày đã có mặt tại công trường để huấn luyện nhân sự mới. Đến 2006, bão Xansange vào Đà nẵng, toàn bộ hệ thống nhà xưởng, máy móc, thiết bị vừa gây dựng sập đổ và hư hỏng hoàn toàn, chị Vân phải xây dựng lại mọi thứ từ đầu. Khó khăn đó đã rèn dũa bản lĩnh của người đứng đầu.
Mọi người đi theo mình vì cái gì ?
Anh Hải: Một số bạn có ý tưởng kinh doanh có gặp và hỏi mình tại sao/ làm thế nào để thu hút người tài về làm với mình, mọi người theo mình vì điều gì? Có người thì nói có ý tưởng tốt, vì mình có sản phẩm tốt, vì mình có lương tốt, vì mình có chính sách tốt; nhưng có lẽ các bạn đang làm phức tạp hoá vấn đề lên, thực ra, “họ đi theo mình vì họ đi theo mình”. Nếu các bạn hiểu được bản chất điều đó, các bạn sẽ rất sợ khi đánh mất mình. Thực ra, trong quá trình phát triển công ty, có lúc mình trả lương tốt, nhưng khi khó khăn thì sao, có đôi lúc mình nghĩ mình có ý tưởng tốt, nhưng từ ý tưởng đến sản phẩm là cả một câu chuyện, rồi sản phẩm của mình có thể bị thay thế, bắt chước và làm tốt hơn trên thị trường. Chỉ có chúng ta (ta/mình) là hi vọng giữ được, nếu công ty/ ý tưởng/ sản phẩm mà ta cố giữ trong khi chính mình không giữ được thì liệu những người đi theo chúng ta có còn theo chúng ta nữa không?
Khi mình vẫn là mình thì dù nhân viên mình nghỉ việc/ chuyển công tác khác, mình tin là quan hệ vẫn còn đó, đó từ kinh nghiệm của bản thân mình, một số anh em dù đã chuyển công tác sang các công ty, đơn vị khác nhưng khi cần hỗ trợ, anh em vẫn bố trí thời gian giúp mình vì những việc, vấn đề (trong dự án) mà công ty chưa làm được
Quản trị tài chính - dòng tiền trong kinh doanh ?
( Câu hỏi của chị Trần Thuỳ)
Chị Vân:
Năm 2005: mang 10 triệu đô của nhà đầu tư vào ĐN xây nhà máy và đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh
2006: Bão Xangsenge đổ bộ gây thiệt hại nhà máy và đinh trệ toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh, vốn đầu tư đã hết trong khi mình vừa phải cần vốn để lập lại nhà máy, vốn để khôi phục sản xuất đảm bảo các đơn đặt hàng, đàm phán với khách hàng/ đối tác/ nhà đầu tư về thời gian giao hàng chậm lại, xin tạm ứng trước tiền cho các đơn đặt hàng sau, vừa làm việc với ngân hàng về các khoản vay. May mắn là mình vượt qua được giai đoạn đó.
Anh Hải: Tuỳ theo mỗi doanh nghiệp, đối với mảng dịch vụ CNTT mà mình đang làm thì nó phụ thuộc vào chiến lược công ty, có 2 mô hình: 1 là outsourcing, gia công phần mềm, 2 là phát triển sản phẩm hoặc mô hình kết hợp cả 2 mô hình để có thể có dòng tiền đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh. Xác định dòng tiền mình ở đâu? Cái nào là cái thu được ngay, cái nào là công nợ thu lâu, cái nào là cái đầu tư, chủ động được dòng tài chính
Kinh nghiệm quản trị tâm đắc
Anh Hải: “12 năm mình học được 1 từ, và gần đây mình học thêm 1 từ nữa
Từ thứ nhất: “có thể kiểm soát được” ( controlable), có những dự án mình nghĩ là làm được nhưng xem kỹ thì thâý có những chỗ mình chưa được kiểm soát được về nhân sự, về phạm vi, về chất lượng. Chỗ nào chưa kiểm soát được thì làm rõ đã rồi mới quyết định.
Thứ hai, khi mình làm mình ít khi chia sẻ với tiền bối về khó khăn của mình, nếu mình có thể chủ động chia sẻ khó khăn về lựa chọn chiến lược với những người anh/chị trong ngành đi trước, thì có khi mở được thế bế tắc mà tự mình khó nghĩ ra.
Thứ ba, là từ “không được sợ”, ví dụ: lúc trước, mình sợ nhân viên xin nghỉ việc thì ảnh hưởng công việc và hợp đồng, khi làm dự án, mình sợ khách hàng, khi khách hàng nói mình báo giá trong 5 ngày, mình lại về cố làm báo giá trong 5 ngày mà thực ra cần nhiều thời gian hơn để ước lượng chi phí dự án cho chính xác, có khi bể cả hai. mình sợ những biến động có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp, và vô tình sự sợ hãi đó khiến mình suy nghĩ thiếu thấu đáo và sáng suốt; sợ mất khách hàng cuối cùng là mất khách hàng.
Chị Vân: Khi mình còn trẻ thì mình hay lạc quan và đánh giá không đúng, đầy đủ về thực tế nhu cầu của khách hàng và thị trường, nên mình dễ đưa ra các quyết định sai lầm. Cách đây hơn 10 năm, khi sản phẩm của mình đã có thương hiệu và xuất khẩu được thị trường quốc tế đón nhận, lúc đó tôi đặt câu hỏi, sao mình không mang sản phẩm này thương mại hoá tại Việt nam, nghĩ là làm, tôi đầu tư khá nhiều vào việc đưa sản phẩm đó vào thị trường trong nước, tốn nhiều tiền, 3-4 năm nhưng không hiệu quả, đành rút lui. Đó là một bài học kinh nghiệm. Nếu mình định làm cái gì đó thì cần điều tra cho kỷ, xem xét năng lực và nguồn lực của mình, nhu cầu, thị trường; cần đưa ra nhiều phương án để chủ động trong kinh doanh.