Và chính sách công nghiệp tập trung vào nhân tài có tầm quan trọng thế nào?
Hồng Kông vào xuân, trời mát lạnh nhưng cũng bắt đầu ấm hơn nhiều. Lần cuối cùng mình tới đây là 7 năm trước để đi tham dự một cuộc họp của tập đoàn BCG. Lúc đó ấn tượng cũng không có gì đặc sắc – và thực sự lúc đó mình còn không hiểu tại sao Hồng Kông lại là một thành phố được yêu thích như thế.
Lần này là một Hồng Kông khác.
Gần trung tâm của Tsim Sha Tsui là trường đại học bách khoa Hồng Kông với một loạt các bảo tàng và thư viện thú vị. Tại bảo tàng lịch sử Hồng Kông đang diễn ra một triển lãm với cái tên “Triển lãm về an ninh quốc gia” – trong đó có nhiều chủ đề bao gồm cả an ninh kinh tế, an ninh tài chính, an ninh xã hội, an ninh lương thực, an ninh chủ quyền lãnh thổ, an ninh ở những khu vực thuộc lãnh thổ quốc tế, … và ở ngay chính giữa khu triển lãm, rất to và trang trọng, là chủ đề an ninh khoa học – công nghệ, an ninh không gian và an ninh đại dương sâu. Ngày thứ 5 thư viện đóng cửa nhưng khu triển lãm của bảo tàng thì thực sự rộn ràng với hàng chục bé tiểu học cũng như hàng chục các cụ già.
Nhìn qua Kowloon là khu vực quận tài chính trung tâm – nơi chứng kiến sự quay trở lại của Hồng Kông với vai trò của một trung tâm tài chính thế giới. Năm ngoái Hồng Kông lại lọt top thị trường chứng khoán thế giới và các thương vụ IPO lớn toàn là những câu chuyện về công nghệ sâu. Chỉ cách Shenzhen hơn 1 tiếng đi tàu cao tốc, Hồng Kông hoàn toàn có thể trở thành cửa ngõ cho công nghệ sâu – không chỉ là câu chuyện xuất khẩu công nghệ sâu ra thế giới mà còn là cửa ngõ cho công nghệ đi vào thị trường vốn toàn cầu.
Cách đó tầm vài tiếng tàu cao tốc đi về phía Bắc là Hàng Châu hàng xóm Thượng Hải. Mới chưa hết quý 1/2025 nhưng 6 con rồng nhỏ hạ lưu sông Trường Giang đã tái định vị Hàng Châu trên bản đồ công nghệ không chỉ của Trung Quốc mà còn của toàn thế giới sau 1 thời gian im ắng sau câu chuyện của Alibaba. Từ DeepSeek tới Unitree, từ Game Science tới BrainCo, DEEP Robotics, và Manycore Tech, Hàng Châu làm cho người ta tự hỏi – điều gì làm cho nơi này trở thành trung tâm mới cho công nghệ của Trung Quốc? Không có hạ tầng sản xuất phần cứng đã phát triển như ở Thâm Quyến, không có đội ngũ nghiên cứu sâu như ở Bắc Kinh, không phải là trung tâm tài chính đưa hàng trăm tỉ đô vào ngành công nghệ nhưng 6 con rồng nhỏ sông Trường Giang là minh chứng rõ nhất về vị trí của Hàng Châu trong câu chuyện công nghệ không chỉ của Trung Quốc mà còn của thế giới.
Một Substacker mà mình theo dõi là JSTan chuyên nghiên cứu về chính sách công nghiệp cho mảng công nghệ từ đại học MIT mới viết 1 bài lý giải câu chuyện Hàng Châu. JSTan cho rằng, chính chính sách công nghiệp tập trung vào nhân tài tạo ra sự khác biệt – và cho phép Hàng Châu xây dựng được một nền móng vững chắc về nhân tài, tạo điều kiện cho sự phát triển của hệ sinh thái công nghệ Hàng Châu.
Looking back, it’s clear that talent-focused policies and incentives for R&D investment were at the core of Hangzhou’s development model, laying the foundation for its rise to national prominence earlier this year.
Hangzhou's government isn't a passive actor when it comes to talent recruitment. In some cases, it even actively courts Chinese nationals who have established companies overseas to return to China and locate themselves in Hangzhou. The most famous case of this was the local government's success in convincing Brain Co—then, a Boston-based company and the world’s largest brain-computer interface firms, second only to Elon Musk’s Neuralink—to relocate to Hangzhou. This involved officials flying out to Boston and convincing Brain Co's founders (who are Chinese nationals) to relocate their business. In this case, officials promised to classify their employees as "high-level talent," making them eligible for rent subsidies, housing grants, and additional research funding. They even offered to waive office rental fees—a major financial relief for a still-young startup.
Đọc những gì JSTan viết làm mình mơ hồ thấy có cái gì đó rất quen thuộc ở đây.
Những chính sách công nghiệp tập trung vào nhân tài đã bắt đầu được thông qua và triển khai ở Việt Nam trong 3 năm gần đây - bắt đầu với Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM trong đó nói rất rõ về nhưng ưu đãi dành cho các nhân tố trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo - đặc biệt là nhân tài. Tuy nhiên, TPHCM đi trước về nghị quyết từ tầm chính phủ nhưng triển khai lại đi sau các tỉnh thành năng động khác.
Ở Việt Nam, không phải Hà Nội hay TP HCM, Đà Nẵng là nơi mà những người trong ngành công nghệ có thể đến và cảm nhận được “vibe” Hàng Châu từ cách mà lãnh đạo và công chức năng động ở thành phố này đang tạo ra.
Từ lâu, Đà Nẵng được coi như là một điểm đến của du lịch. Nên khi mình nói với đối tác là nên đến Đà Nẵng để nghiên cứu hệ sinh thái non trẻ nhưng đang phát triển rất nhanh về khoa học công nghệ, mọi người đều nhìn mình với con mắt ngờ vực.
Cho tới khi họ thực sự đến…
Với môi trường sống tốt, chi phí sống ổn, sân bay quốc tế tốt với nhiều đường bay quan trọng ra thế giới và một đội ngũ nhân sự trong chính quyền vừa trẻ, vừa năng động, Đà Nẵng đã và đang gây ấn tượng cực tốt cho mình và nhiều đối tác của mình - bao gồm cả các công ty công nghệ lớn cũng như những nhà đầu tư lớn.
Chỉ trong ngành bán dẫn, số lượng công ty thiết kế quyết định về đây làm việc tăng từ 8 lên 15 trong vòng 1 năm. Các công ty lớn trong hệ sinh thái và chuỗi giá trị bán dẫn cũng bắt đầu nghiên cứu Đà Nẵng một cách nghiêm túc. Một người thuộc thế hệ thứ 2 của ngành bán dẫn Đài Loan cho rằng Đà Nẵng có thể là 1 mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị tại Việt Nam từ nam ra bắc và trong chuỗi giá trị thế giới đặc biệt là trong mảng thiết kế.
Đà Nẵng cũng là nơi ít ngờ tới khi các công ty games lớn trên thế giới đặt trụ sở - sau khi xem xét và bỏ qua Hà Nội và Sài Gòn. Người đứng đầu của 1 công ty games lớn hàng đầu thế giới chia sẻ lý do tại sao là Đà Nẵng: nơi đây là sự kết hợp giữa công nghệ và sáng tạo - môi trường sống và làm việc phù hợp cho những ý tưởng lãng mạn nhưng vẫn được hiện thực hóa qua công nghệ, đặc biệt phù hợp với ngành games. Và họ có thể tuyển được các nhân sự phù hợp với số lượng lớn cho studio của họ ở đây vì môi trường đó thu hút được nhóm nhân tài đó.
Những gì mình thấy ở Đà Nẵng trong vòng 2 năm qua cho mình một cảm giác về một trung tâm công nghệ mới của Việt Nam trong tương lai không xa.
Mình nhìn điều này là một động lực tích cực.
Khi Đà Nẵng - nơi không có quá nhiều lợi thế về nhân tài cũng như nguồn lực so với 2 cực tăng trưởng lớn ở miền Bắc và miền Nam - vẫn có thể có một số thành tựu như vậy chỉ với việc vận dụng chính sách phù hợp để thu hút nhân tài và việc có đội ngũ công chức năng động thì Việt Nam nói chung hoàn toàn có thể làm được.
Người ta thường nói “it takes a village to raise a child”. Nhìn vào mảng đổi mới sáng tạo thì “it takes an ecosystem to build a company”. Khi hệ sinh thái bắt đầu hình thành và được nuôi dưỡng thì cơ hội tạo ra các công ty có tầm sẽ tới. Và hệ sinh thái tốt sẽ được hình thành khi có đủ nhân tài hội tụ - từ các công ty lớn tới các startup nhỏ, từ các viện nghiên cứu tới các trường đại học, từ các nguồn tài trợ tới các quỹ đầu tư. Và nhìn lại lịch sử phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo trên thế giới ngoài Silicon Valley trong nửa thế kỉ vừa qua thì vai trò của chính phủ với các chính sách công nghiệp tập trung vào nhân tài và đội ngũ công chức năng động là không thể thay thế.
Cạnh tranh trong kỷ nguyên mới là cạnh tranh về nguồn tài nguyên con người thay vì nguồn tài nguyên thiên nhiên tự có.
Có lẽ vì thế mà trong triển lãm về an ninh quốc gia tại Hồng Kông, người ta để an ninh về khoa học công nghệ ở ngay chính giữa sảnh với thời lượng thuyết minh dài nhất.
Các bé tiểu học được giáo dục từ rất sớm về cạnh tranh quốc gia trong kỷ nguyên mới!
Tác giả: Tuyết Vũ ( Eisenhower Fellow | Fulbright Scholar | UCBerkeley | BCG | Innovation & Entrepreneurship | Energy & Climate Tech | Investment)
Địa chỉ: Tầng 2 Trụ sở Thành Đoàn, đường Xuân Thủy, Khuê Trung, Cẩm Lệ, Đà Nẵng
Email: [email protected]
Phone: 0935 221 866
Website: www.2030danang.com